Cổ đông có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Ngày 21/12/1990, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật Công ty quy định về công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần (CTCP). Theo đó, lần đầu tiên khái niệm CTCP đã được đề cập và việc triệu tập ĐHĐCĐ bước đầu cũng đã được quy định. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, những quy định tại Luật Công ty về vấn đề quyền và nghĩa vụ của cổ đông còn chưa đầy đủ. Việc phân định cụ thể thẩm quyền và trách nhiệm của ĐHĐCĐ, Hội đồng quản trị (HĐQT), Giám đốc điều hành và Ban Kiểm soát chưa được quy định cụ thể trong Luật Công ty; đồng thời một số nội dung khác như quản trị công ty (QTCT) hay công khai, minh bạch thông tin… là các khái niệm mới mẻ và hoàn toàn chưa được quy định.
Mặc dù Luật Công ty đã phát huy tích cực vai trò của mình, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế đất nước, tuy nhiên, Luật này mới chỉ dừng lại ở việc khái quát sơ lược về cơ cấu quản lý nội bộ CTCP gồm ĐHĐCĐ, HĐQT và Ban Kiểm soát. Quyền và nghĩa vụ của cổ đông chưa được quy định đầy đủ. Thẩm quyền, thể thức triệu tập ĐHĐCĐ chưa được quy định cụ thể tại Luật Công ty, mà được quy định trong Điều lệ công ty. Trong giai đoạn này, chưa có các hướng dẫn cụ thể liên quan đến việc tổ chức ĐHĐCĐ. Ngoài ra, nhiều quy định của Luật Công ty đã bộc lộ nhiều bất cập và lạc hậu so với cách thức tổ chức một công ty theo cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế. Vì vậy, sau gần 10 năm thực hiện, việc sửa đổi, thay thế Luật này được đặt ra như một yêu cầu tất yếu, khách quan.
Ngày 12/6/1999, Quốc hội đã thông qua Luật Doanh nghiệp số 13/1999/QH10 (Luật Doanh nghiệp 1999) để thay thế cho Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân. Có thể nói, Luật Doanh nghiệp 1999 là bước tiến lớn trong công cuộc cải cách của đất nước. Luật Doanh nghiệp 1999 đã dành 45 điều để quy định chi tiết hơn về CTCP và hoạt động của CTCP. Đặc biệt, Luật đã quy định cụ thể hơn về quyền và nghĩa vụ của cổ đông phổ thông, quyền và nhiệm vụ của ĐHĐCĐ, thẩm quyền và thể thức tiến hành họp ĐHĐCĐ. Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp 1999 cũng đã phân định rõ trách nhiệm của ĐHĐCĐ, HĐQT và Ban Kiểm soát.
Xuất phát từ tình hình thực tiễn và nhu cầu cần phải có khung pháp lý bình đẳng cho mọi loại hình doanh nghiệp và đáp ứng yêu cầu hội nhập, ngày 29/11/2005, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XI đã thông qua Luật Doanh nghiệp 2005, có hiệu lực từ ngày 01/7/2006, thay thế Luật Doanh nghiệp 1999. Tại Luật Doanh nghiệp 2005, CTCP, quyền của cổ đông, các quy định về họp ĐHĐCĐ đã được quy định cụ thể hơn so với Luật Doanh nghiệp 1999 theo hướng từng bước tiếp cận các chuẩn mực quốc tế về quản trị CTCP, cụ thể như sau:
Về quyền của cổ đông phổ thông
Tại Luật Doanh nghiệp 2005, ngoài các quyền như tham dự và phát biểu trong các Đại hội cổ đông, thực hiện biểu quyết, được nhận cổ tức, được ưu tiên mua cổ phần mới chào bán tương ứng với tỷ lệ cổ phần trong công ty, được tự do chuyển nhượng cổ phần, cổ đông đã được bổ sung thêm quyền xem xét, tra cứu và trích lục các thông tin trong Danh sách cổ đông có quyền biểu quyết, yêu cầu sửa đổi các thông tin không chính xác; quyền xem xét, tra cứu, trích lục hoặc sao chụp Điều lệ công ty, sổ biên bản họp ĐHĐCĐ và các nghị quyết của ĐHĐCĐ.
Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty cũng được Luật Doanh nghiệp 2005 bổ sung thêm các quyền mới so với Luật Doanh nghiệp 1999 như:
- Xem xét, trích lục sổ biên bản và các nghị quyết của HĐQT, báo cáo tài chính (BCTC) giữa năm và hàng năm và các báo cáo của Ban Kiểm soát;
- Yêu cầu Ban Kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty trong trường hợp cần thiết;
- Yêu cầu triệu tập họp ĐHĐCĐ khi HĐQT vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao; nhiệm kỳ của HĐQT vượt quá 06 tháng mà HĐQT mới chưa được bầu thay thế.
Có thể nói, các quy định nêu trên đã mở rộng hơn nữa quyền của cổ đông trong việc giám sát hoạt động quản lý, điều hành công ty, giúp tăng cường hơn nữa tính minh bạch thông tin trong điều hành nhằm đảm bảo tối đa hóa quyền lợi của cổ đông. Đồng thời, cùng với việc mở rộng quyền của cổ đông phổ thông, Luật Doanh nghiệp 2005 cũng đã bổ sung thêm nghĩa vụ của cổ đông phổ thông như không được rút vốn đã góp ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, tuân thủ Điều lệ và Quy chế quản lý nội bộ của công ty, chịu trách nhiệm cá nhân khi nhân danh công ty dưới mọi hình thức để thực hiện một trong các hành vi như vi phạm pháp luật, tiến hành kinh doanh và các giao dịch khác để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác; thanh toán các khoản nợ chưa đến hạn trước nguy cơ tài chính có thể xảy ra đối với công ty.
Về quyền của ĐHĐCĐ
Về cơ bản, Luật Doanh nghiệp 2005 vẫn giữ nguyên các quyền đã được quy định tại Luật Doanh nghiệp 1999. Tuy nhiên, ĐHĐCĐ được bổ sung thêm quyền quyết định đầu tư hoặc bán số tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong BCTC gần nhất của công ty nếu Điều lệ công ty không quy định một tỷ lệ khác (trước đây, ĐHĐCĐ chỉ có quyền quyết định bán tài sản). Ngoài ra, theo Luật Doanh nghiệp 2005, ĐHĐCĐ còn có quyền xem xét và xử lý các vi phạm của HĐQT, Ban Kiểm soát gây thiệt hại cho công ty và cổ đông của công ty.
Về thẩm quyền triệu tập họp ĐHĐCĐ
Luật Doanh nghiệp 2005 đã quy định thêm về việc họp ĐHĐCĐ thường niên; theo đó, quy định ĐHĐCĐ thường niên phải họp trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính (có thể gia hạn, nhưng không quá 06 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính). Ngoài ra, Luật này cũng quy định chi tiết các vấn đề được thảo luận tại ĐHĐCĐ thường niên. Đây là một bước tiến mới trong Luật Doanh nghiệp nhằm bảo vệ quyền lợi của cổ đông, để cổ đông thông qua cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên có thể hiểu rõ hơn tình hình hoạt động kinh doanh của công ty, cũng như quyền lợi và nghĩa vụ của mình đối với công ty.
Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp 2005 cũng đã quy định chi tiết về thể thức tiến hành triệu tập và họp ĐHĐCĐ như quy định chi tiết về danh sách cổ đông có quyền dự họp ĐHĐCĐ, chương trình và nội dung họp ĐHĐCĐ, quy định về mời họp ĐHĐCĐ, quyền dự họp ĐHĐCĐ, điều kiện tiến hành họp ĐHĐCĐ…
Bên cạnh Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán năm 2006 đã được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/6/2006 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2007. Việc xây dựng và ban hành Luật Chứng khoán được ghi nhận là một bước phát triển mới nhằm từng bước hoàn thiện khung pháp lý về chứng khoán và TTCK, khắc phục cơ bản những khiếm khuyết của hệ thống pháp luật trước đây về chứng khoán và TTCK; tạo môi trường kinh doanh, đầu tư chứng khoán thuận lợi, bình đẳng và phù hợp với nền kinh tế thị trường. Đồng thời, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã xây dựng và trình Bộ Tài chính ban hành các quyết định, thông tư hướng dẫn thực hiện đối với lĩnh vực chứng khoán và TTCK, trong đó, những nội dung như công bố thông tin (CBTT) của các công ty đại chúng (CTĐC), công ty niêm yết (CTNY), bảo vệ nhà đầu tư, nâng cao QTCT… được đặc biệt quan tâm.
Ngày 13/3/2007, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 12/2007/QĐ-BTC về việc ban hành Quy chế QTCT áp dụng cho các CTNY trên Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK). Quy chế này được xây dựng theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và vận dụng những thông lệ quốc tế tốt nhất về QTCT phù hợp với điều kiện của Việt Nam, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của TTCK và góp phần lành mạnh hóa nền kinh tế. Quy chế này quy định những nguyên tắc cơ bản về QTCT để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông, thiết lập những chuẩn mực về hành vi, đạo đức nghề nghiệp của các thành viên HĐQT, Ban Giám đốc, Ban Kiểm soát và cán bộ quản lý của các CTNY. Quy chế này cũng là cơ sở để đánh giá việc thực hiện QTCT của các CTNY (Điều 1).
Quy chế QTCT áp dụng cho các CTNY trên SGDCK đã dành hẳn một chương để quy định chi tiết về cổ đông và ĐHĐCĐ. Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 của Quy chế này, “Cổ đông có quyền bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của mình. Trong trường hợp nghị quyết của ĐHĐCĐ, nghị quyết của HĐQT vi phạm pháp luật hoặc vi phạm những quyền lợi cơ bản của cổ đông theo quy định của pháp luật, cổ đông có quyền đề nghị không thực hiện các quyết định đó theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Trường hợp các quyết định vi phạm pháp luật nêu trên gây tổn hại tới công ty, HĐQT, Ban Kiểm soát, Ban Giám đốc phải đền bù cho công ty theo trách nhiệm của mình. Cổ đông có quyền yêu cầu công ty bồi thường theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định”.
Quy chế này cũng quy định CTNY phải xây dựng Điều lệ Công ty theo Điều lệ mẫu do Bộ Tài chính quy định; đồng thời CTNY có trách nhiệm xây dựng và ban hành Quy chế nội bộ về QTCT. Ngoài ra, Quy chế QTCT cho các CTNY còn quy định những vấn đề liên quan đến cổ đông lớn, về việc họp ĐHĐCĐ thường niên và bất thường.
Có thể nói, cùng với Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và các văn bản pháp luật khác, việc ban hành Quy chế QTCT áp dụng cho các CTNY đã góp phần từng bước hoàn thiện khung pháp lý về QTCT tại Việt Nam nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông. Đây có thể coi là một nỗ lực rất lớn của các cơ quản quản lý Nhà nước trong việc xây dựng một TTCK công khai, minh bạch, công bằng và hiệu quả. Mặc dù vậy, Quy chế này vẫn còn có những hạn chế nhất định như chưa đảm bảo quyền lợi của cổ đông nói chung, mức độ công khai hóa còn thấp và chưa có văn bản pháp luật về QTCT áp dụng cho CTĐC nói chung.
Ngày 26/7/2012, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 121/2012/TT-BTC quy định về QTCT áp dụng cho các CTĐC có hiệu lực từ ngày 17/9/2012 (Thông tư 121). Thông tư này bao gồm một số nội dung chủ yếu về cổ đông và ĐHĐCĐ, các quy định về HĐQT, thành viên HĐQT, các quy định về Ban kiểm soát, thành viên ban kiểm soát, các quy định về ngăn ngừa xung đột lợi ích giữa các thành viên, chế độ báo cáo và CBTT.
Theo Thông tư 121, các quy định về cổ đông và ĐHĐCĐ được quy định như sau:
Về quyền và nghĩa vụ của cổ đông
Cổ đông có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật Doanh nghiệp, các văn bản pháp luật liên quan và Điều lệ công ty, đặc biệt là những quyền dưới đây:
dịch vụ hóa đơn điện tử tại bắc ninh - Quyền tự do chuyển nhượng cổ phần đã được thanh toán đầy đủ và được ghi trong sổ cổ đông của công ty, trừ một số trường hợp bị hạn chế chuyển nhượng theo quy định của pháp luật, Điều lệ công ty và quyết định của ĐHĐCĐ;
- Quyền được đối xử công bằng;
- Quyền được thông báo đầy đủ thông tin định kỳ và thông tin bất thường về hoạt động của công ty;
- Quyền và trách nhiệm tham gia các cuộc họp ĐHĐCĐ và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện được ủy quyền hoặc thực hiện bỏ phiếu từ xa;
- Quyền được ưu tiên mua cổ phần mới chào bán tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần trong công ty.
- Cổ đông có quyền bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của mình. Trong trường hợp quyết định của ĐHĐCĐ, quyết định của HĐQT vi phạm pháp luật hoặc vi phạm những quyền lợi cơ bản của cổ đông theo quy định của pháp luật, cổ đông có quyền đề nghị hủy quyết định đó theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Trường hợp các quyết định vi phạm pháp luật gây tổn hại tới công ty, HĐQT, Ban Kiểm soát, Giám đốc (Tổng Giám đốc) điều hành phải đền bù cho công ty theo trách nhiệm của mình. Cổ đông có quyền yêu cầu công ty bồi thường tổn thất theo quy định của pháp luật.
Về cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên và bất thường
Thông tư 121 quy định CTĐC phải xây dựng và công bố trên trang thông tin điện tử của công ty quy định về trình tự, thủ tục triệu tập và biểu quyết tại ĐHĐCĐ, cách thức đăng ký tham dự ĐHĐCĐ, cách thức bỏ phiếu, kiểm phiếu, cách thức phản đối quyết định của ĐHĐCĐ, hướng dẫn thủ tục ủy quyền và lập giấy ủy quyền cho các cổ đông.
Ngoài ra, CTĐC không được hạn chế cổ đông tham dự ĐHĐCĐ, phải tạo điều kiện cho cổ đông thực hiện việc ủy quyền đại diện tham gia ĐHĐCĐ hoặc bỏ phiếu bằng thư bảo đảm khi cổ đông có yêu cầu. Quyền dự họp của cổ đông cũng được mở rộng với các hình thức bỏ phiếu từ xa, biểu quyết thông qua họp ĐHĐCĐ trực tuyến.
Hàng năm, CTĐC phải tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Việc họp ĐHĐCĐ thường niên không được tổ chức dưới hình thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản.
CTĐC quy định trong Điều lệ công ty hoặc trong các quy định nội bộ các nguyên tắc, nội dung, trình tự, thủ tục lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua quyết định của ĐHĐCĐ. Trường hợp lấy ý kiến bằng văn bản, CTĐC phải đảm bảo gửi, công bố đầy đủ tài liệu và đảm bảo thời gian hợp lý cho các cổ đông xem xét tài liệu trước khi gửi phiếu biểu quyết như trường hợp tổ chức họp ĐHĐCĐ.
Thông tư 121 cũng quy định rõ các nội dung tối thiểu trong Báo cáo hoạt động của HĐQT trình ĐHĐCĐ thường niên gồm:
- Đánh giá tình hình hoạt động của công ty trong năm tài chính;
- Hoạt động, thù lao và chi phí hoạt động của HĐQT và từng thành viên HĐQT;
- Tổng kết các cuộc họp của HĐQT và các quyết định của HĐQT;
- Kết quả giám sát đối với Giám đốc (Tổng Giám đốc) điều hành;
- Kết quả giám sát đối với các cán bộ quản lý khác;
- Các kế hoạch trong tương lai.
Báo cáo hoạt động của Ban Kiểm soát trình ĐHĐCĐ thường niên tối thiểu phải bao gồm các nội dung sau:
- Hoạt động, thù lao và chi phí hoạt động của Ban Kiểm soát và từng thành viên Ban Kiểm soát;
Học kế toán tổng hợp thực hành Tại tphcm - Tổng kết các cuộc họp của Ban Kiểm soát và các quyết định của Ban Kiểm soát;
- Kết quả giám sát tình hình hoạt động và tài chính của công ty;
- Kết quả giám sát đối với thành viên HĐQT, Giám đốc (Tổng Giám đốc) điều hành và các cán bộ quản lý khác;
- Báo cáo đánh giá sự phối hợp hoạt động giữa Ban Kiểm soát với HĐQT, Giám đốc (Tổng Giám đốc) điều hành và cổ đông.
Cho đến thời điểm hiện tại, Thông tư 121 là một văn bản pháp luật tương đối đầy đủ và phù hợp với thông lệ quốc tế về QTCT nói chung và việc bảo vệ quyền lợi của cổ đông nói riêng. Chính phủ, Bộ Tài chính, UBCKNN và các cơ quan có liên quan khác đã nỗ lực để từng bước hoàn thiện khung khổ pháp lý nhằm tạo ra sân chơi bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cổ đông và những người có lợi ích liên quan khác.
Việc xây dựng một TTCK công khai, minh bạch, công bằng và hiệu quả cùng với việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi của mình tốt hơn nữa, nhà đầu tư và cổ đông cần phải trang bị thêm những kiến thức cơ bản về QTCT. Các cổ đông nên phát huy quyền và nghĩa vụ của mình để bảo vệ lợi ích của cá nhân, cũng như đóng góp thêm nhiều ý kiến trong các cuộc họp ĐHĐCĐ để xây dựng công ty ngày càng phát triển.
dịch vụ kế toán thuế trọn gói giá rẻ tại hà đông Theo TCTC
Responses
0 Respones to "Tìm hiểu qua hệ thống các văn bản quy phạm pháp lý ở Việt Nam"
Đăng nhận xét