Nên theo chuẩn mực quốc tế khi minh bạch báo cáo tài chính nhà nước



Ngày 20-11-2015, Quốc hội đã thông qua Luật Kế toán và có hiệu lực từ ngày 1-1-2017. Điều 30 Luật Kế toán có quy định về báo cáo tài chính nhà nước và giao cho Chính phủ quy định cụ thể về nội dung báo cáo tài chính nhà nước. Luật cũng ra thời hạn để Chính phủ thực hiện việc này là chậm nhất là 24 tháng, kể từ ngày Luật Kế toán có hiệu lực. Trên cơ sở đó, mới đây Bộ Tài chính đã công bố dự thảo Nghị định về báo cáo tài chính nhà nước để lấy ý kiến đóng góp. TBKTSG ghi lại ý kiến của các chuyên gia về dự thảo này với nhiều góc nhìn khác nhau.

Theo dự thảo nghị định về báo cáo tài chính nhà nước, nghị định này được áp dụng cho mọi cơ quan nhà nước, tuy nhiên theo điều 1 của dự thảo chỉ viết “công khai báo cáo tài chính nhà nước” và cụ thể hơn điều 15 chỉ nói đến tỉnh, Bộ Tài chính “công khai các thông tin chủ yếu trong báo cáo tài chính” liên quan đến “tình hình tài sản nhà nước; nợ chính quyền địa phương, các khoản phải trả khác của Nhà nước; nguồn vốn của Nhà nước; tình hình thu nhập, chi phí và kết quả hoạt động tài chính nhà nước; tình hình lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động tài chính nhà nước”. Ngoài tỉnh và Bộ Tài chính, các cơ quan chính phủ và địa phương không bị bắt buộc công khai ngân sách, ngoài trách nhiệm cung cấp thông tin. Đây là một thiếu sót lớn, nhất là khi việc thu chi ngân sách ở cấp quận huyện, xã dựa vào nhiều quy định cho phép tự thu, tự chi, gây nhiều khó khăn cho đời sống của dân chúng.

Dự thảo nghị định yêu cầu báo cáo nhiều nội dung quan trọng khác như giá trị tài sản nhà nước; nợ và các khoản phải trả, và nghĩa vụ trả nợ; nguồn vốn cho hoạt động; lưu chuyển tiền mặt. Những thông tin này không có trong “công khai ngân sách” được Bộ Tài chính thực hiện và đưa trên mạng của bộ, nên rất đáng hoan nghênh.

Tuy nhiên, công khai báo cáo tài chính chỉ thực sự có giá trị ở chi tiết, và phương pháp luận được sử dụng để làm báo cáo tài chính. Với tinh thần chỉ công khai “các thông tin chủ yếu” như dự thảo viết thì giá trị kiểm tra rất hạn chế.

Có thể dễ nhìn thấy hạn chế này khi đem so sánh những gì đã và sẽ làm ở Việt Nam với dự thảo ngân sách của chính phủ Mỹ nộp cho Quốc hội xem xét hàng năm. Dự thảo ngân sách của Mỹ là một núi tài liệu, bao gồm: a) bản tường trình chính của Tổng thống về Ngân sách dự thảo tổng hợp có giải trình dài 182 trang, b) bản phân tích có so sánh với những năm trước 418 trang, c) phụ chú thu chi của từng bộ và cơ quan nhà nước 1.375 trang. Tổng cộng gần 2.000 trang.

Kinh nghiệm làm việc ở Liên hiệp quốc của tôi cũng thế, ngân sách dự chi được chi tiết hóa theo hàng rất cụ thể (line budgeting) trong mọi hoạt động. Nếu hoạt động không có khoản ngân sách chi tiền di chuyển bằng máy bay thì không thể lấy tiền được từ bộ phận chi tiền. Đây là cách duy nhất kiểm soát chi tiêu của nhà nước.

Về phương pháp luận thì kinh nghiệm của Hy Lạp đã dạy cho thế giới một bài học lớn. Như ta biết, điều kiện để trở thành thành viên của khối tiền tệ Euro là thâm hụt ngân sách không được quá 3% và nợ công không được quá 60% GDP. Chính vì Hy Lạp muốn nhập khối Euro nên đã lừa dối trong phương pháp làm ngân sách và Liên hiệp châu Âu cũng vì muốn một nước kỳ cựu của nền văn minh phương Tây gia nhập nên đã lơ là kiểm soát. Năm 2000 Hy Lạp đã được gia nhập Euro với báo cáo thâm hụt ngân sách 2,5% vào năm 1998 và dự báo 1,9% vào năm 1999, trong khi sự thật thì thâm hụt trong 1998 đã là 4,2%. Đến năm 2009, mức thâm hụt lên 13%, dẫn đến khủng hoảng trả nợ lớn ở châu Âu.

Tại sao Hy Lạp có thể làm thế? Đó là vì họ bỏ phần chi tiêu lớn cho vũ khí quân sự khỏi ngân sách, ghi bán quyền sử dụng tần số trên bầu trời cho các hãng điện thoại là thu ngân sách thường xuyên trong khi đó nó là bán tài sản đang có (và chỉ bán được một lần) và các vi phạm khác như lập một công ty tài chính độc lập ở nước ngoài (mà không ai biết đến) để vay tiền, tiền này được chuyển về đóng góp đầu tư. Điều này cũng giống như cách làm không theo chuẩn quốc tế của Việt Nam hiện nay, là đáng lẽ phải ghi là chi khi nhận được hàng hay việc được thực hiện dù chưa trả tiền... Và Việt Nam cũng phạm lỗi như Hy Lạp: không thể ghi tiền bán quyền sử dụng đất là thu ngân sách thường xuyên, mà phải ghi là bán tài sản.

Cần một ngân sách nhà nước trong sạch để bảo đảm nền kinh tế vận hành hiệu quả, tránh đưa nền kinh tế vào khủng hoảng trả nợ, gây lạm phát vì chi tiêu bừa bãi, từ đó đẩy lãi suất cao làm đình đốn kinh tế. Do đó, cần hiểu rõ nguồn thu, tình hình chi tiêu và nợ nần của Nhà nước. Điều này đòi hỏi minh bạch chi tiết và yêu cầu theo đúng chuẩn mực kế toán tài chính đã được các cơ quan quốc tế ban hành.

Quy định phải gắn với trách nhiệm và chế tài

Thực tiễn ở Việt Nam cho thấy nếu không gắn được trách nhiệm cụ thể của cá nhân, tổ chức phải thực thi các quyết định dạng này thì chúng rất khó phát huy hiệu quả ngay cả ở cấp chính quyền trung ương chứ chưa nói gì đến cấp chính quyền địa phương. Các thông tin nếu có được cung cấp thì cũng thường là chậm trễ, kém chính xác, không đầy đủ hoặc không đúng yêu cầu.

Do vậy, để các quy định này được thực thi nghiêm túc trước tiên cần có sự tập trung và thu gọn đầu mối quản lý mọi khoản thu chi của Chính phủ về Bộ Tài chính ở cấp trung ương và các sở tài chính ở cấp địa phương. Điều này một mặt đảm bảo các thông tin liên quan thu chi của Chính phủ được cung cấp đầy đủ, mặt khác nhằm tránh các bộ, ngành hay sở đổ lỗi cho nhau trong việc cung cấp thông tin.
Bên cạnh đó, để đảm bảo tính nhất quán và dễ hiểu thì các mẫu, bảng biểu hạch toán cần được thiết kế thống nhất theo chuẩn mực quốc tế với yêu cầu thời điểm báo cáo nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là phải gắn được trách nhiệm và chế tài xử phạt đối với các cá nhân, tổ chức cụ thể khi quy định này không được tuân thủ một cách nghiêm túc. Bộ Tài chính phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội; các sở tài chính phải chịu trách nhiệm trước Bộ Tài chính; các bộ, sở, ngành, tổ chức không cung cấp thông tin theo quy định cần phải bị xử phạt, ví dụ như Bộ Tài chính hay sở tài chính có thể tạm trì hoãn giải ngân các khoản chi tiêu tiếp theo đối với các đơn vị vi phạm cho đến khi họ cung cấp đầy đủ các thông tin theo yêu cầu.

TS. Phạm Thế Anh

Dự thảo Nghị định về báo cáo tài chính Nhà nước quy định gì?

Dự thảo này quy định về nội dung báo cáo tài chính nhà nước; việc tổ chức thực hiện lập, công khai báo cáo tài chính nhà nước; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc cung cấp thông tin phục vụ việc lập báo cáo tài chính nhà nước.

Học kế toán tổng hợp thực hành Tại bắc ninh
Danh mục báo cáo tài chính nhà nước gồm báo cáo tài chính nhà nước toàn quốc phản ánh toàn bộ thông tin tài chính nhà nước có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước hoặc do Nhà nước quản lý trên phạm vi toàn quốc và báo cáo tài chính nhà nước tỉnh phản ánh toàn bộ thông tin tài chính nhà nước có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước hoặc do Nhà nước quản lý trên phạm vi địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ( mỗi báo cáo gồm báo cáo tình hình tài chính nhà nước; báo cáo kết quả hoạt động tài chính nhà nước; báo cáo lưu chuyển tiền tệ; thuyết minh báo cáo tài chính nhà nước).

Điều 15 dự thảo quy định về việc công khai báo cáo tài chính nhà nước như sau:

1. Nội dung công khai:

a) Ủy ban nhân dân tỉnh công khai các thông tin chủ yếu trong báo cáo tài chính nhà nước tỉnh, bao gồm: tình hình tài sản nhà nước; nợ chính quyền địa phương, các khoản phải trả khác của Nhà nước; nguồn vốn của Nhà nước; tình hình thu nhập, chi phí và kết quả hoạt động tài chính nhà nước; tình hình lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động tài chính nhà nước.

b) Bộ Tài chính công khai các thông tin chủ yếu trong báo cáo tài chính nhà nước toàn quốc, bao gồm: tình hình tài sản nhà nước; nợ công và các khoản phải trả khác của Nhà nước; nguồn vốn của Nhà nước; tình hình thu nhập, chi phí và kết quả hoạt động tài chính nhà nước; tình hình lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động tài chính nhà nước.

2. Hình thức công khai:

a) Ủy ban nhân dân tỉnh đăng tải các thông tin chủ yếu trong báo cáo tài chính nhà nước tỉnh và thuyết minh cụ thể một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng trên cổng thông tin điện tử của tỉnh;

dịch vụ hóa đơn điện tử tại thái bình
b) Bộ Tài chính phát hành ấn phẩm các thông tin chủ yếu trong báo cáo tài chính nhà nước và thuyết minh cụ thể một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng trên phạm vi toàn quốc, đăng tải các thông tin chủ yếu trong báo cáo tài chính nhà nước và thuyết minh cụ thể một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính;

c) Các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

3. Thời hạn công khai:

a) Ủy ban nhân dân tỉnh công khai báo cáo tài chính nhà nước tỉnh trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày báo cáo tài chính nhà nước tỉnh được báo cáo trước Hội đồng nhân dân tỉnh;

b) Bộ Tài chính công khai báo cáo tài chính nhà nước toàn quốc trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày báo cáo tài chính nhà nước toàn quốc được báo cáo trước Quốc hội.
dịch vụ kế toán thuế trọn gói giá rẻ tại bắc ninh
Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn online



Responses

0 Respones to "Nên theo chuẩn mực quốc tế khi minh bạch báo cáo tài chính nhà nước"

Đăng nhận xét

TRUNG TÂM KẾ TOÁN HÀ NỘI

Return to top of page